Kon Tum là địa phương có rừng và đất rừng rộng lớn, chiếm 80,7% diện tích đất tự nhiêntoàn tỉnh. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần bảo vệ môi trường thông qua quản lý, bảo vệ diện tích rừng bằng nguồn tiền DVMTR. Tiền DVMTR đã bảo vệ khoảng 378.272 ha rừng cung ứng DVMTR (khoảng 66,3% diện tích rừng toàn tỉnh, không tính diện tích cây cao su, đặc sản); góp phần ổn định diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum lên 63,12% vào năm 2021. Từ kết quả trên đã phản ánh vai trò chủ đạo của tiền DVMTR trong việc bảo vệ rừng, tạo ra giá trị về môi trường, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, duy trì và bảo vệ được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; làm giảm tỷ lệ bồi lắng lòng hồ của các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi.
Chính sách chi trả DVMTR giúp nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, các đơn vị, tổ chức liên quan và hộ nhận khoán bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân đã ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại. Bên cạnh đó, chính sách chi trả DVMTR đã tạo động lực cho các bên liên quan tham gia bảo vệ phát triển rừng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người dân bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Giai đoạn 2011-2021, tổng nguồn vốn Ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp khoảng 490 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn tiền DVMTR đầu tư vào ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 1.856 tỷ đồng, chiếm 79,1% so với tổng nguồn đầu tư của ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; gấp hơn 3 lần nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp, bình quân mỗi năm nguồn tiền DVMTR đầu tư vào ngành lâm nghiệp khoảng hơn 169 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Như vậy, nguồn DVMTR là nguồn tài chính ổn định, bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp. Từ nguồn DVMTR đã tháo gỡ khó khăn về tài chính cho ngành lâm nghiệp để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp có kinh phí duy trì hoạt động trong bối cảnh dừng khai thác rừng tự nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ông Hồ Thanh Vương – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Kon Plong cho biết: ”Nguồn tài chính từ DVMTR đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực đối với các hoạt động lâm nghiệp của đơn vị. Để nâng cao hiệu quả trong công tác QLBVR hiện nay Công ty đã thực hiện giao khoán cho 35 cộng đồng dân cư thôn với diện tích 11.700,08 ha trên địa bàn bảo vệ, đã góp phần nâng cao ý thức của người dân; với nguồn tài chính DVMTR ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị phát huy nguồn lực sẵn có để xúc tiến triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ như: du lịch sinh thái, trồng dược liệu dưới tán rừng; hỗ trợ nguồn kinh phí kịp thời theo quy định cho các hoạt động về trồng rừng, trồng cây phân tán; củng cố, xây dựng các trạm, chốt QLBVR; mua sắm phương tiện, công cụ, dụng cụ, thiết bị hỗ trợ đắc lực lực lượng QLBVR chuyên trách thực hiện nhiệm vụ được thực hiện kịp thời, đầy đủ”.
Trong giai đoạn 2011-2021, tổng số tiền DVMTR các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhận là hơn 176,7 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm thu nhập của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng từ nguồn chi trả DVMTR đạt bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 5,6 triệu đồng/ hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 68 triệu đồng/cộng đồng/ năm. Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương có thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng đã chi trả tiền DVMTR giai đoạn 2011-2021 là hơn 558,7 tỷ đồng cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn, tổ chức. Trung bình mỗi năm thu nhập từ nguồn chi trả DVMTR đạt bình quân mỗi hộ gia đình nhận khoán khoảng 8,1 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 152 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 65 triệu đồng/ nhóm hộ/năm, tổ chức khoảng 431 triệu đồng/tổ chức/năm.
Có thể thấy rằng, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách, nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của người dân và các đơn vị, tổ chức liên quan đã thay đổi rõ nét: Rừng được bảo vệ tốt hơn; nhiều tổ đội quần chúng bảo vệ rừng được thành lập; nhiều mô hình phát triển sinh kế được người dân triển khai có hiệu quả; các cộng đồng dân cư thôn đã sử dụng một phần tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận để xây dựng, sửa chữa một số công trình nhỏ tại thôn, làng như: sửa chữa nhà rông, đường giao thông, đường điện… góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Số tiền DVMTR các hộ gia đình được nhận đã thật sự có ý nghĩa trong cuộc sống của người dân, đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.