Chiều ngày 05/5, tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Kon Tum
Cùng tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp; đại diện lãnh đạo các cơ quan, địa phương liên quan của tỉnh và các đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, có 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước 14.860.309 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 10.129.751 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với năm 2022; diện tích rừng bị tác động là hơn 1.047 ha. Nhìn chung, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182 ha, giảm gần 76 ha. Tuy nhiên, 4 tháng qua, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498 ha, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023…
Đối với tỉnh Kon Tum, có tổng diện tích tự nhiên 967.418 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 780.530 ha, diện tích có rừng 616.123 ha, diện tích chưa có rừng quy hoạch cho Lâm nghiệp 164.407 ha, độ che phủ rừng là 63,69%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về công tác QLBVR và PCCCR trên địa bàn. Do đó đã được được một số kết quả nhất định, nhất là duy trì và nâng cao độ che phủ rừng; tình hình vi phạm Luật lâm nghiệp giảm đều cả 3 tiêu chí so với năm trước; chỉ tiêu trồng rừng và trồng cây phân tán đạt và vượt kế hoạch đề ra, diện tích rừng đã trồng Sâm Ngọc Linh đến nay 2.422 ha. Mục tiêu đến 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu trồng mới 15.000 ha rừng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp kiến nghị các Bộ, ngành liên quan đề nghị Chính phủ có chính sách để lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng các chế độ lương, phụ cấp ưu đãi nghề... Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi hoặc sửa đổi bổ sung Nghị định 156 hướng dẫn thi hành Luật lâm nghiệp do một số bất cập của Luật Lâm nghiệp đã được Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024; Kiến nghị về vấn đề tín chỉ các bon rừng chưa được các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, đây là vấn đề mới cần phải nghiên cứu đưa vào Luật Lâm nghiệp…
Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, với sự nỗ lực các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm đáng kể; nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng của người dân ngàn càng nâng lên.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng. Thường xuyên dự báo, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng; kịp thời thông tin các điểm lửa cháy để các địa phương, chủ rừng xác minh phát hiện sớm cháy rừng. Chỉ đạo Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm các vùng tiếp tục tăng cường nhân lực, trang thiết bị PCCCR để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có cháy rừng lớn xảy ra.
Đồng chí đề nghị các địa phương, đơn vị có liên quan cần thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm về quản lý, bảo vệ rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cần chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở với phương châm "bốn tại chỗ"; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chú trọng hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện (sử dụng máy định vị GPS, Flycam…) kịp thời phát hiện cháy rừng, vị trí đám cháy; chính quyền cơ sở làm tốt việc quản lý di dân tự do, nắm rõ các diện tích đất canh tác giáp ranh với diện tích rừng…/.